Ai cũng biết nước là thành phần quan trọng, không thể thiếu đối với hoạt động sống của cơ thể chúng ta. Với nhiều người, việc uống nước là một thói quen đơn giản, chỉ việc rót…và uống. Tuy nhiên, uống nước cũng cần có cơ sở khoa học. Uống nước như thế nào cho đúng mới là điều mỗi người cần lưu ý.

1. Uống nước như thế nào cho đúng và đủ?
Tuỳ vào cơ địa của từng người mà lượng nước cần thiết cũng khác nhau. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì mỗi ngày uống 2 lít nước sẽ đủ để giúp cơ thể hoạt động và phát triển bình thường. Với trẻ sơ sinh, lượng chất lỏng ít nhất cần bù là 0,6 lít mỗi ngày, trẻ nhỏ là 1,7 lít. Với người tập luyện thể thao hàng ngày hoặc lao động nặng, lượng nước cần uống có thể tới trên 3 lít vì phải bù đủ số nước cho lượng mồ hôi tiết ra.
2. Hạn chế uống nước lạnh

Nước lạnh làm giảm nhiệt độ dạ dày và ruột, kìm hãm hoạt động của các enzim tiêu hoá, do đó thức ăn sẽ tiêu hoá chậm hơn, dẫn tới đầy bụng, khó tiêu. Đồng thời, mạch máu ở hệ tiêu hoá co thắt sẽ cản trở việc lưu thông máu và các chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể. Uống một ly nước ấm sẽ giúp cơ thể nói chung và hệ tiêu hoá nói riêng hoạt động trơn tru hơn.
3. Thêm một số chất tự nhiên giúp phát huy tối đa tác dụng của nước
Để nước uống có tác dụng giải khát tốt, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, bạn có thể thêm vào một vài lát gừng, pha chế nước chanh hay sử dụng nước khoáng lạt (nước chứa muối khoáng có ích cho cơ thể)
4. Uống một ly nước ấm vào buổi sáng sau khi thức dậy.
Khi ngủ, hệ bài tiết của cơ thể vẫn âm thầm hoạt động, đặc biệt tuyến mồ hôi vẫn không ngừng thoát hơi nước. Đây là lý do tại sao bạn thường phải sử dụng xà phòng tắm hay sữa rửa mặt vào buổi sáng. Sau một đêm dài nghỉ ngơi, nhiệt độ cơ thể bạn giảm, khi ấy, nhanh chóng uống một ly nước ấm sẽ giúp tăng nhiệt độ dạ dày, khởi động cho quá trình tăng nhiệt độ của cơ thể.

5. Uống nước từ từ, nhiều đợt thay vì uống nhiều nước một lúc
Việc chờ đến khi thật khát rồi uống liền mấy ly nước là một thói quen có hại cho thận, bởi vì uống nhiều nước một lúc khiến thận bị quá tải, làm suy giảm chức năng của thận, ngoài ra còn gây rối loạn chất điện giải trong máu. Ngoài ra còn gây hại cho hệ tim mạch như làm tăng huyết áp.
6. Uống nước trước bữa ăn
Trong bữa ăn và sau bữa ăn, dạ dày phải làm việc “cật lực” để nhào nặn và tiêu hoá thức ăn. Kích thước dạ dày khá nhỏ vì thế nếu uống nước khi dạ dày trong dạ dày đang chứa nhiều thức ăn sẽ khiến việc tiêu hoá thức ăn trở nên khó khăn hơn, thay vào đó, uống nước trước bữa ăn ít nhất 20 phút sẽ tốt hơn cho dạ dày của bạn.
Theo VnExpress