Cuộc chiến chống lại béo phì đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Và Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng béo phì ngày một tăng cao. Đặc biệt là những người sinh sống ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.
Nguyên nhân của tình trạng béo phì ở Việt Nam
Mọi người đều biết để giữ được sự ổn định về cân nặng, thì phải có sự cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Chính vì vậy, cân nặng cơ thể tăng lên là do năng lượng mà thức ăn cung cấp nhiều hơn năng lượng tiêu hao. Từ đó, năng lượng dư thừa sẽ chuyển hóa thành chất béo dự trữ và gây thừa cân, béo phì.
Bên cạnh đó, hoạt động thể lực ít, lối sống tĩnh lại cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh béo phì.
Những con số về tình trạng béo phì ở Việt Nam
Năm 2005, kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì ở người trưởng thành ở nước ta từ 25 đến 64 tuổi. Theo phân loại của WHO với mức BMI lớn hơn hoặc bằng 25 là 6,6 %, tỷ lệ ở dạng tiền béo phì với 25 < BMI > 30 là 6,2 %, béo phì độ I là 0,4 % và không có béo phì độ 2.
Tuy nhiên, 10 năm sau, nghiên cứu lại thì tỷ lệ này thay đổi đến chóng mặt. Tỷ lệ người trưởng thành thừa cân béo phì là 15,6 % cao gấp 2,5 lần so với 10 năm trước. Tỷ lệ người béo phì tăng gấp 4 lần so với năm 2005 và xu hướng thừa cân béo phì ở nữ cao hơn ở nam. Do tỷ lệ người trưởng thành có khối mỡ cao xu hướng tăng theo tuổi và nữ luôn xảy ra tình trạng đọng mỡ nhiều hơn nam.
Song song đó, tình trạng béo phì học đường ở Việt Nam cũng đang gia tăng, nhất là ở các thành phố lớn. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi ở TP Hồ Chí Minh đã gia tăng gấp ba lần trong hơn 10 năm qua, từ 3,7% lên 11,5%. Ở học sinh phổ thông cũng tăng gấp đôi, từ 11,6% lên 21,9%. Béo phì ở trẻ em lứa tuổi học đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi trưởng thành.
Một số nghiên cứu cho thấy, tại tám thành phố lớn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… Số lượng trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân ước tính khoảng 100 nghìn trẻ, trẻ thừa cân béo phì cũng đã xấp xỉ con số đó. Như vậy, trẻ thừa cân béo phì và trẻ suy dinh dưỡng ở các thành phố lớn đang gần như ngang nhau.
Vậy làm gì để giảm bớt tình trạng béo phì ở Việt Nam?
Theo Viện Dinh dưỡng Việt Nam, khi bị béo phì cần có một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
Đối với người lớn
Về chế độ ăn hàng ngày:
- Giảm năng lượng ăn vào bằng cách: ăn bớt cơm, không ăn đường mật, bánh kẹo, nước ngọt. Không ăn nhiều các món có nhiều thịt mỡ, các món xào, rán có nhiều chất béo.
- Nên ăn cá, thịt nạc, ăn các món luộc, hấp thay cho các món rán, xào. Uống sữa gầy, sữa không đường, nước chè xanh.
- Ăn nhiều rau xanh và các loại hoa quả ít ngọt.
Về lối sống, sinh hoạt hàng ngày:
- Thực hiện lối sống năng động, lao động thể lực nhiều để tăng tiêu hao năng lượng.
- Rèn luyện thể dục thể thao thích hợp theo lứa tuổi và tình trạng sức khỏe.
Đối với trẻ em
Cách xử trí béo phì trẻ em khác với người trưởng thành là không bắt trẻ giảm ăn. Vẫn phải cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để bảo đảm sự phát triển của đứa trẻ. Đặc biệt là các vitamin và vi chất dinh dưỡng như can-xi, kẽm…
Theo khuyến cáo Viện Dinh Dưỡng, nếu trẻ hoạt động thể lực ở mức độ nhẹ, ngủ dưới 8 tiếng/ngày sẽ có nguy cơ thừa cân, béo phì gần gấp 3 lần với trẻ hoạt động thể lực nặng, ngủ đủ, ngồi máy tính ít. Vì vậy, học sinh ở lứa tuổi tiểu học cần vận động thể dục, thể thao 1-2 tiếng/ngày và duy trì chế độ ăn phù hợp. Khi trẻ có dấu hiệu cân nặng vượt chuẩn cần có biện pháp can thiệp kịp thời.
Theo Viện Dinh Dưỡng Việt Nam và báo Tuổi trẻ